Hàng loạt sự cố gây chết người gần đây có liên quan đến thang máy đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy hiện nay trên thị trường.
Thang máy nhập khẩu chiếm ưu thế
Hiện nay, trên thị trường, thang máy nước ngoài vẫn chiếm số lượng lớn, có nhiều ưu thế hơn so với thang máy nội địa. Nhiều hãng sản xuất thang máy nổi tiếng như: Nippon, Mitsubishi, Hitachi (Nhật Bản), Schindler (Thụy Sĩ), Thyssenkrupp (Đức), Otis (Mỹ), Kone (Phần Lan), Hyundai (Hàn Quốc)…
Phần lớn các chủ đầu tư tại Việt Nam đều có xu hướng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng thang máy nhập khẩu, do nó có ưu điểm nổi bật về mọi mặt so với hàng trong nước như tiêu chuẩn thiết kế, hệ thống an toàn, chất lượng thiết bị…
Theo một đại diện hãng thang máy Nippon tại Việt Nam: “Thang máy muốn đạt chất lượng, an toàn thì phải có công nghệ, tiêu chuẩn rõ ràng, trong đó chất lượng sản phẩm và hệ thống lắp đặt bảo trì, bảo dưỡng rất quan trọng”. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, bảo hành, ý thức của người sử dụng, quan điểm của chủ đầu tư về thang máy cũng quyết định rất nhiều.
Sản phẩm nhập khẩu đảm bảo từ hệ thống, chất lượng thiết bị phải đạt tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ quốc tế. Về chi phí lắp đặt, thang máy nội địa có giá chỉ bằng 1/3 so với hàng nhập khẩu.
Theo khảo sát thị trường mới đây của một công ty sản xuất thang máy Việt Nam, thị trường Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 1.500 thang máy mỗi năm. Hiện nay nước ta có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất thang máy nội địa, tuy nhiên trong số đó không ít công ty hiện vẫn không có quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn, do vậy đã làm ảnh hưởng đến sự tin chọn thang trong nước của các nhà đầu tư.
Chưa có tiêu chuẩn sản xuất thang máy nội địa
Nhiều chủ đầu tư hiện nay vẫn không chú trọng nhiều tới vấn đề bảo dưỡng cho sản phẩm của mình, do vậy dẫn tới không ít hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là thời gian qua, liên tiếp các sự cố gây chết người liên quan đến thang máy đã xảy ra. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng thang máy được lắp đặt trong các tòa nhà cao tầng. Nhất là sự cố chết người tại chung cư CT3 Constrexim (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) như giọt nước tràn ly, khiến dư luận bức xúc.
Thành viên có tên HongleNN trên diễn đàn Autofun bức xúc về sự cố thang máy tại chung cư 229 Phố Vọng: “Hệ thống thang máy của chung cư có vấn đề, nhiều lần tôi sợ đến bắn tim ra ngoài vì thang đột ngột rơi tự do rồi dừng bất chợt. Dù đã nhiều lần phản ánh với ban quản lý tòa nhà nhưng chưa thấy kiểm tra, sửa chữa gì cả”.
Về vấn đề tai nạn thang máy trong thời gian gần đây, nguyên nhân phần lớn là do ý thức của chủ đầu tư cũng như vấn đề bảo dưỡng sản phẩm sau khi lắp đặt. Theo tiêu chuẩn, thang máy 1 tháng phải bảo dưỡng một lần nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng. Trong số 300 doanh nghiệp sản xuất thang máy tại Việt Nam, có một nửa chỉ đi bán, sau đó thuê các đơn vị khác lắp đặt, do vậy họ không kiểm soát được chất lượng, cam kết lâu dài. Còn các công ty có uy tín đều bảo đảm nguồn nhân lực, đội ngũ lắp đặt, bảo trì cho sản phẩm. Việc bảo hành cho thang máy tùy chủ đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nên lựa chọn nhà cung cấp làm nơi bảo trì luôn, vì họ sẽ chủ động về kỹ thuật và thiết bị.
Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp cung cấp thang máy trong nước cho biết, là hiện nay chưa có cơ quan nào kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của thang máy. Trong khi đó, cả chủ đầu tư và người dùng vẫn chưa quan tâm đến an toàn của thang máy, họ không biết rằng nếu qua một thời gian sử dụng, dây cáp sẽ rão đi, các thiết bị khác sẽ hư hỏng, như vậy rất nguy hiểm khi sử dụng. Trong tương lai gần, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để nâng cao chất lượng thang máy nội địa, nhà nước cần phải đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất cũng như kiểm định, kiểm tra an toàn thang máy sát sao hơn nữa.
Hàng loạt người chết vì sự cố thang máy
11 giờ ngày 14/7/2012, tại Trường cao đẳng Công nghệ thông tin (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM) xảy ra vụ kẹt thang máy khiến 1 người chết. Nạn nhân là bà Trần Thị Cúc (54 tuổi, quê Ninh Bình), làm nhân viên vệ sinh của trường Trường cao đẳng Công nghệ thông tin.
Vào thời điểm trên, một nhóm sinh viên của trường này bấm thang máy từ tầng 7 để xuống tầng dưới nhưng chờ mãi không thấy thang máy mở cửa nên nhóm sinh viên này đã đi bằng cầu thang bộ. Khi xuống tầng 6, các sinh viên đã phát hiện bà Cúc bị kẹt giữa hai cánh cửa thang máy.
Tại hiện trường vụ tai nạn, đầu và miệng nạn nhân bị chảy nhiều máu. Nhóm sinh viên đã nhanh chóng gọi người hỗ trợ và kéo nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, nạn nhân tử vong ngay sau đó với vết thương gây nứt hộp sọ.
Nhiều vụ tai nạn thang máy xảy ra thời gian qua khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Mới đây nhất vào tháng 4/2012, một vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng cũng xảy ra tại toà nhà làm việc của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội (số 31 phố Tràng Thi, Hà Nội).
Vào chiều 19/4, 2 thanh niên là Nguyễn Công Thành (SN 1990, quê ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La) và Nguyễn Văn Cò (SN 1984, ở Ba Vì, Hà Nội) đang sửa chữa thang máy thì thang máy bất ngờ đứt dây cáp khiến 2 người này rơi từ tầng 6 xuống đất. Cả 2 thanh niên lập tức được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu chỉ ít phút sau khi xảy ra vụ tai nạn nhưng do chấn thương quá nặng nên các nạn nhân đều đã bị tử vong.
Khoảng 10g sáng ngày 21/9/2011, thang máy của toà nhà CT3 (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bất ngờ sập từ tầng 4 xuống tầng hầm làm một người đàn ông chết thảm. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Hòa (56 tuổi, ở quận Tây Hồ).
Thu hồi khẩn cấp thang máy kém chất lượng
Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ vừa công bố một đợt thu hồi tự nguyện của hãng sản xuất thang máy nổi tiếng ThyssenKrupp. Theo đó, 670 chiếc thang máy dân dụng mang tên LEV II, Volant và Rise sản xuất tại Mỹ của hãng ThyssenKrupp bị lỗi cửa dẫn đến nguy cơ tử vong cho người sử dụng trong khi vận hành.
Theo báo cáo của ThyssenKrupp, cửa thang máy bị lỗi khóa, có thể mở cửa khi không có buồng thang máy, khiến người sử dụng bước vào thang máy và rơi xuống các tầng dưới, gây chấn thương hoặc tử vong.
Trung Quốc từng hứng chịu hậu quả vì thang máy hỏng phanh
Ngày 08/10/2009, hai chiếc thang máy tại một khu mỏ ở miền trung Trung Quốc đã đổ sập làm 26 người thiệt mạng, 5 người bị thương. Theo Tân Hoa Xã, tai nạn xảy ra tại thành phố Lengshuijiang, tỉnh Hồ Nam khi những chiếc phanh của thang máy bị hỏng bất ngờ.
ĐẠI THIÊN Á tổng hợp